JAPANESE FOREST

Column

森の写真
日本の家具の最新技術

Mở đầu: Đất đai và văn hóa gỗ của Nhật Bản

Tỷ lệ diện tích rừng trên diện tích đất đai của một quốc gia được gọi là “tỷ lệ che phủ rừng”. Diện tích rừng của Nhật Bản là khoảng 25 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng xấp xỉ 66%, đồng nghĩa với việc hai phần ba diện tích đất đai của Nhật Bản là rừng. Con số này tương đương với Phần Lan hay Thụy Điển, những quốc gia được biết đến với tỷ lệ che phủ rừng cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ che phủ rừng trung bình của các nước trên thế giới là khoảng 30%, do đó, có thể hiểu được Nhật Bản là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về rừng đến thế nào trong các quốc gia trên toàn thế giới. Vì lý do đó, ở Nhật Bản từ thời xa xưa, hầu hết những thứ xung quanh người Nhật như nhà cửa hay đồ nội thất, dụng cụ ăn uống, v.v. đều được làm từ “gỗ” dễ dàng kiếm được. Vậy, tại sao Nhật Bản lại có nhiều rừng đến vậy? Hãy cùng xem xét bí ẩn này từ sự hình thành của vùng đất Nhật Bản.

Sự hình thành của Nhật Bản, khí hậu nhiều mưa và tuyết

日本の成立ちと、雨や雪が多い気候

Nhật Bản vốn là một phần của lục địa Á - Âu cùng với Châu Âu và Trung Quốc. Khoảng 20 triệu năm trước, do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo (thạch quyển) bao phủ trên bề mặt Trái đất, nó đã tách khỏi lục địa Á - Âu. Có khoảng 14 đến 15 mảng kiến tạo lớn trên Trái đất. Và Nhật Bản nằm trên vị trí va chạm của 4 mảng trong số các mảng kiến tạo này. Nhật Bản còn là quốc gia duy nhất trên thế giới nằm trên điểm va chạm của 4 mảng kiến tạo. Sự dịch chuyển của 4 mảng này khiến đất liền bị tách ra khỏi lục địa, sau đó nước biển xâm nhập vào giữa lục địa và đất liền, và phân tách nó thành các đảo.

Theo thời gian trôi qua, 4 mảng kiến tạo này tiếp tục dịch chuyển, chúng bắt đầu đẩy nhau và va chạm vào nhau. Sự va chạm của các mảng kiến tạo đã dồn nén và làm đất liền dâng lên, tạo ra những dãy núi cao dựng đứng. Kết quả là, Nhật Bản đã trở thành một “quốc gia của núi” - một trong số các nước có nhiều núi nhất trên thế giới, với khoảng 73% diện tích đất đai được bao phủ bởi núi.

Ngoài ra, việc tách khỏi lục địa khiến mưa và tuyết bắt đầu rơi nhiều. Có hai lý do tại sao có nhiều mưa và tuyết. Lý do đầu tiên là bão. Người ta nói rằng có 8 nơi trên thế giới dễ xảy ra bão, trong đó nơi xảy ra nhiều bão nhất là vùng biển xung quanh Philippines nằm ở khu vực phía nam Nhật Bản vào mùa hè. Các cơn bão hình thành ở đó di chuyển về phía bắc cùng với gió mùa hè của bán cầu bắc. Và khi đi qua một phần của quần đảo Nhật Bản, nó tạo ra gió mạnh và mưa nhiều. Trên thực tế, theo số liệu của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, trong 59 năm kể từ năm 1951 đến năm 2009, trung bình mỗi năm có 26,4 cơn bão xảy ra trên vùng biển của Nhật Bản. Một lý do khác là sự tồn tại của vùng biển được tạo ra ở giữa Nhật Bản và lục địa (Biển Nhật Bản). Vào mùa đông, những cơn gió mùa lạnh và khô thổi từ Siberia đến Nhật Bản, khi đi qua Biển Nhật Bản, chúng mang theo một lượng lớn không khí ẩm rồi đổ bộ vào Nhật Bản. Khi không khí lạnh chứa đầy hơi nước đổ bộ vào đất liền, chúng va vào những dãy núi dựng đứng của Nhật Bản và khiến một lượng lớn tuyết rơi. Kết quả là các cơn bão vào mùa hè và tuyết rơi dày đặc vào mùa đông đã khiến Nhật Bản trở thành quốc gia nhiều mưa thứ tư trên thế giới, chỉ sau Indonesia, Philippines và New Zealand.

Tuyết rơi vào mùa đông sẽ tan vào mùa xuân, cung cấp nguồn nước lớn giúp nhiều cây cối phát triển. Và vào mùa hè, ánh nắng gay gắt và lượng mưa lớn do bão mang lại càng thúc đẩy sự phát triển của cây hơn nữa.

Phân bố cây ở Nhật Bản

雪山

Nhật Bản bị tách ra khỏi lục địa do 4 mảng kiến tạo, và do lực của các mảng kiến tạo mà có các dãy núi cao bao phủ khắp đất nước. Thêm vào đó, do có lượng mưa và tuyết rơi nhiều, Nhật Bản đã trở thành một quốc gia có thiên nhiên phong phú và đầy tự hào với tỷ lệ che phủ rừng thuộc nhóm dẫn đầu trên thế giới. Bên cạnh đó, do đất liền được hình thành dọc theo các điểm va chạm của các mảng kiến tạo, Nhật Bản còn trở thành một quốc gia dài và hẹp kéo dài từ bắc xuống nam. Khoảng cách giữa vĩ độ từ điểm cực bắc đến điểm cực nam của Nhật Bản là 2.787km. Nhiều khu vực ở Nhật Bản có khí hậu ôn đới, trong đó một phần của Hokkaido thì có khí hậu cận cực, còn tỉnh Okinawa lại có khí hậu cận nhiệt đới, tức là có sự khác biệt rất lớn giữa khí hậu của phía bắc và phía nam. Trên thực tế, chênh lệch nhiệt độ trung bình trong năm lên đến tối đa hơn 15 độ. Không bàn đến Trung Quốc hay Nga là những nước với diện tích lớn, hiếm có quốc gia nào với cùng diện tích đất liền như Nhật Bản, lại có sự chênh lệch lớn về khí hậu như vậy.

Kết quả là, ở phía đông Hokkaido, ta có thể nhìn thấy rừng cây lá kim thường xanh như cây Ezomatsu (Picea jezoensis) thường có nhiều ở các vùng lạnh và vùng núi, trong khi lại cũng có thể nhìn thấy những rừng cây lá rộng rụng lá như sồi và sồi răng cưa từ khu vực phía tây Hokkaido đến vùng núi của khu vực Koshinetsu. Và từ khu vực Chubu phía tây khu vực Koshinetsu đến vùng núi thấp của khu vực Kyushu, ta có thể thấy các rừng cây có lá dày và bóng như cây Shii (cây thuộc chi Castanopsis) hay Kashi (cây thuộc họ Fagaceae) , v.v. trong các loại cây thường xanh lá rộng. Hơn nữa, ở tỉnh Kagoshima và Okinawa, ta có thể thấy những khu rừng gọi là rừng ngập mặn, là nơi tập trung các cây có thể sống được trong nước biển như cây trang hình trứng ngược hay đước xanh, v.v.. Ngoài ra, sự va chạm mạnh giữa các mảng kiến tạo cũng tạo ra những ngọn núi dựng đứng cao trên 3.000m ở những nơi rất gần bờ biển. Từ vùng đất thấp đến vùng núi cao, do môi trường và khí hậu thay đổi tùy theo độ cao, thảm thực vật cũng có sự khác biệt lớn tùy theo độ cao thậm chí trong cùng một khu vực. Với khí hậu khác biệt do đất liền dài và hẹp trải dài từ bắc xuống nam, thêm vào đó là sự thay đổi của môi trường do sự khác biệt về độ cao của các dãy núi dựng đứng trong cùng một khu vực, người ta đã tìm thấy được khoảng 700 loại cây ở Nhật Bản.

Và bằng cách sử dụng những cây này trong cuộc sống hàng ngày, Nhật Bản đã nuôi dưỡng nên “lịch sử về gỗ” và “văn hóa gỗ” độc đáo. Chúng tôi xin được giới thiệu về lịch sử và văn hóa gỗ mà Nhật Bản đã nuôi dưỡng ở một chuyên mục riêng.

Column

トップへ戻る