Column Đặc trưng của cây và gỗ ở Nhật Bản
Đặc trưng của cây và gỗ ở Nhật Bản
Nhật Bản là một đất nước dài trải dài từ bắc tới nam, với các loại cây tạo nên rừng cũng khác nhau tùy theo vùng và tùy theo khí hậu. Cây Ezomatsu thường được thấy ở Hokkaido, một vùng có khí hậu lạnh, đã được sử dụng làm vật liệu xây dựng và vật liệu nội thất từ lâu đời tại địa phương. Ngoài ra, do cây Ezomatsu có đặc tính hấp thụ các tạp âm và chỉ vọng lại các âm thanh có cao độ dễ chịu của các nhạc cụ nên nó còn được sử dụng để làm vật liệu cho bảng cộng hưởng của piano hay cho đàn violin và guitar. Ngoài ra, ở vùng núi Shirakami nằm giữa tỉnh Akita và tỉnh Aomori ở phía Tây Bắc Nhật Bản, có một khu rừng Buna (Fagus crenata) nguyên sinh rộng lớn hầu như chưa bị con người tác động và chưa hề thay đổi trong suốt 8.000 năm. Khu rừng này đã được công nhận là “Di sản (thiên nhiên) thế giới” vào năm 1993 do sự tồn tại độc nhất của nó trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, giống như vùng núi Shirakami, đảo Yakushima nằm ở tỉnh Kagoshima phía Tây Nam Nhật Bản cũng đã được công nhận là “Di sản (thiên nhiên) thế giới” với tư cách là một trong những khu rừng tự nhiên quý giá nhất thế giới với những cây “Yakusugi” khổng lồ có niên đại hàng nghìn năm tuổi. Qua đây ta có thể thấy rằng, Nhật Bản có rất nhiều loại cây và rừng đặc sắc. Trong số đó, chúng tôi xin được giới thiệu một số loại cây tiêu biểu của Nhật Bản được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau.
Hinoki
Đây là loài đặc hữu chỉ có thể thấy ở Nhật Bản và một số vùng của Đài Loan và là loài cây đại diện của Nhật Bản. Gỗ của cây này thân thuộc với người dân Nhật Bản đến mức, trong cuốn sử ký lâu đời nhất của Nhật Bản là “Nhật Bản thư kỷ ” được cho là đã được viết cách đây 1.300 năm (năm 720 sau Công Nguyên) cũng có viết rằng: “gỗ Hinoki thích hợp để xây dựng cung điện”. Trên thực tế, Chùa Horyuji, ngôi chùa được xây dựng cách đây hơn 1.400 năm và là công trình kiến trúc bằng gỗ lâu đời nhất trên thế giới, cũng đã được xây bằng gỗ Hinoki và cho đến nay, nó vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu.
Hinoki là một loài cây lá kim cao, mọc thẳng tới 20 đến 30m và có thể cao tới 50m. Gỗ của nó nhẹ, dễ gia công, màu trắng, vân gỗ nhỏ, có độ bóng nên được dùng để xây dựng đền chùa hay nhà ở. Người ta cũng thường sử dụng sử dụng nó làm vật liệu cho các sân khấu biểu diễn kịch Kabuki và Noh. Ngoài ra, một đặc trưng nữa của nó là chống nước và chống mục nát cao, đến mức nó còn được sử dụng làm vật liệu cho bồn tắm và thau rửa mặt. Ngoài khả năng chống nước cao, nó còn được biết đến là vật liệu cực kỳ bền. Gỗ Hinoki là loại vật liệu xây dựng có độ bền trước việc uốn và nén tăng dần sau khi bị chặt hạ, và đạt đến đỉnh cao sau khoảng 200 năm. Sau đó, phải mất khoảng 1.000 năm nó mới quay lại độ bền ban đầu khi mới bị chặt hạ. Do đó, có rất nhiều công trình kiến trúc, đồ nội thất và đồ đạc được làm bằng gỗ Hinoki có lịch sử hơn 1.000 năm vẫn còn sót lại ở Nhật Bản.
Hơn nữa, ngoài vẻ ngoài đẹp đẽ, gỗ Hinoki còn có đặc trưng là tỏa ra hương thơm nồng nàn trong thời gian dài. Hương thơm này là từ tinh dầu trong cây, mùi hương của nó có tác dụng xoa dịu và thư giãn tương tự như khi thực hiện tắm rừng (phương pháp trị liệu thư giãn tâm trí bằng cách đắm chìm trong rừng tự nhiên) . Một thành phần khác trong tinh dầu có tính sát trùng cực mạnh nên nó giúp cây chống lại mối mọt và các loại nấm gây hại làm thối cây. Ngoài ra, nghiên cứu gần đây còn tiết lộ rằng loại gỗ này còn có nhiều tác dụng khác như khả năng khử mùi hay loại bỏ các chất có hại, ức chế mạt bụi nhà, v.v.. Tính hữu dụng của nó đã được công nhận không chỉ ở Nhật Bản mà còn cả ở nước ngoài, và là loại gỗ có lượng xuất khẩu đi từ Nhật Bản ngày càng tăng.
Tại Nhật Bản, Hinoki là loại cây tiêu biểu cho loại gỗ cao cấp, chất lượng cao được sử dụng từ xa xưa. Chúng tôi hy vọng rằng việc sử dụng loại gỗ này sẽ được mở rộng không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới.
Sugi
Tên khoa học của cây này là “Cryptomeria japonica”, trong đó “japonica” là một từ gốc Latin có nghĩa là “Nhật Bản”, qua đó thể hiện đây là loài đặc hữu của Nhật Bản và chủ yếu chỉ có thể được tìm thấy ở Nhật Bản. Những mảnh gỗ Sugi đã được tìm thấy trong các di tích từ cuối thời Jomon đến thời Yayoi, có niên đại từ khoảng 2.000 đến 4.000 năm trước, cho thấy người Nhật Bản thời đó đã sử dụng gỗ Sugi trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, ở đảo Yakushima, nơi được công nhận là Di sản (thiên nhiên) thế giới, có những cây Sugi cổ thụ hơn 3.000 năm tuổi, được gọi là “Jomon Sugi”.
Đây là một loài cây lá kim thường xanh cao, thậm chí cao nhất ở Nhật Bản, mọc cao thẳng đứng tới 50 đến 60 mét. Ngoài ra, từ các cây Sugi mọc ở Yakushima cũng thấy được rằng Sugi cũng là loài cây có tuổi đời lâu đời nhất ở Nhật Bản. Sugi đã được trồng một cách có hoạch định ở Nhật Bản từ xa xưa và là loài cây được người Nhật sử dụng nhiều nhất. Nó được sử dụng theo rất nhiều cách khác nhau, không chỉ làm vật liệu xây dựng nhà cửa mà còn trong đồ nội thất, điêu khắc, đồ thủ công mỹ nghệ cũng như trong các vật dụng đòi hỏi khả năng chống nước như thùng đựng chất lỏng, thùng tô nô, thuyền, guốc, v.v..
Vì cây Sugi mọc thẳng và phát triển thẳng đứng nên rất dễ gia công thành các khối gỗ hoặc ván gỗ, và nó có tính chất là rất nhẹ và có thể cắt xẻ gọn gàng dọc theo vân gỗ. Vì vậy, ngay cả khi không có máy móc và dụng cụ chế biến gỗ như hiện tại, người ta vẫn có thể dễ dàng xử lý được nó nên nó không chỉ được sử dụng làm vật liệu xây dựng mà nhiều đồ thủ công mỹ nghệ độc đáo của riêng địa phương sử dụng gỗ Sugi đã được sản xuất trên khắp nước Nhật.
Đặc trưng của cây Sugi là phần gỗ phía ngoài của cây (gỗ dác) có màu trắng với các vòng sinh trưởng dày đặc và ít mắt gỗ, tạo nên vẻ ngoài đẹp mắt. Ngoài ra, tinh dầu Sugi còn có mùi thơm. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng mùi thơm của nó có tác dụng thư giãn tương tự như khi tắm rừng hay có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ. Nó còn có khả năng điều chỉnh độ ẩm trong không khí tuyệt vời, phù hợp làm vật liệu ốp tường và sàn nội thất nhờ hình thức đẹp, mùi thơm và đặc tính kiểm soát độ ẩm cao. Những vật đựng được tạo ra bằng cách xẻ gỗ Sugi thành những tấm mỏng rồi uốn cong chúng (Magemono) hiện nay vẫn là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ được ưa chuộng do vừa có vẻ ngoài đẹp mắt vừa có hương thơm.
Mặt khác, đặc trưng của phần gỗ phía trong của cây (gỗ lõi) là màu đỏ. Mỗi khi lớn lên, cây sẽ hình thành các vòng sinh trưởng mới ở phía ngoài của thân cây. Những cây Sugi cao và sống lâu sẽ dừng chức năng của các vòng sinh trưởng bên trong để phát triển cao hơn và to hơn trong quá trình sinh trưởng. Khi đó, nhựa cây và sắc tố chứa các thành phần mà vi khuẩn và mối mọt làm gỗ mục nát ghét, sẽ được đổ vào các mạch ống vốn dùng làm đường dẫn nước và chất dinh dưỡng, nhằm ngăn nước và chất dinh dưỡng đi qua. Đó là lý do tại sao phía bên trong của cây (gỗ lõi) lại có màu đỏ. Một khi gỗ lõi Sugi được sấy khô, nó sẽ trở nên khó hấp thụ độ ẩm, khiến nó trở thành loại gỗ có khả năng chống nước cao. Ngoài ra, nó còn là loại gỗ còn có khả năng chống mục nát và hư hại do vi khuẩn, nấm mốc, bền vững trước sự ăn mòn do mối mọt, v.v., nên từ lâu nó đã được sử dụng làm vật liệu cho những nơi đòi hỏi khả năng chống nước và tính bền như các bức tường phía bên ngoài, các loại thùng đựng chất lỏng, thùng tô nô, thuyền, v.v..
Cùng với Hinoki, Sugi là loài cây đại diện của Nhật Bản, là loại gỗ quan trọng được sử dụng nhiều nhất và không thể thiếu ở Nhật Bản, nơi “văn hóa gỗ” đã ăn sâu. Nó đang dần được công nhận trên toàn thế giới và việc sử dụng nó được mong đợi sẽ còn phát triển hơn nữa trên toàn thế giới.
Column
-
Mở đầu: Đất đai và văn hóa gỗ của Nhật Bản
-
Những ngôi nhà gỗ Nhật Bản có thể chống chịu được khí hậu khắc nghiệt và động đất
-
Đặc trưng của cây và gỗ ở Nhật Bản
-
Về đặc trưng nhà ở và đồ nội thất bằng gỗ của Nhật Bản
-
Tính bền, khả năng chống cháy, chống động đất và công nghệ chống mối mọt của gỗ Nhật Bản
-
Kỹ thuật chế biến gỗ truyền thống của Nhật Bản
-
Kỹ thuật chế biến gỗ hiện đại của Nhật Bản