JAPANESE FOREST

Column

日本の住宅 居室
日本の住宅 居室

Về đặc trưng nhà ở và đồ nội thất bằng gỗ của Nhật Bản

Ở Nhật Bản, trước khi bước vào nhà từ bên ngoài, thông thường người ta sẽ cởi giày ở lối vào. Người Nhật sẽ đi chân không chứ không đi giày trong nhà. Vì vậy, có thể nằm ngủ hoặc ngồi trực tiếp trên sàn nhà. Kết quả của điều đó là một phong cách nhà ở và đồ nội thất độc đáo của Nhật Bản đã được phát triển, khác với phong cách nhà ở nơi mọi người đi giày trong nhà. Chúng tôi xin được giới thiệu đôi nét về lịch sử cũng như sự huy hoàng của phong cách nhà ở và đồ nội thất Nhật Bản.

Đặc trưng nhà ở của Nhật Bản

日本の住居 居室

Trước hết, có thể kể đến “chiếu tatami” như là phong cách nhà ở điển hình của người Nhật. Ở Nhật Bản, mọi người không đi giày trong nhà nên họ ngồi trên sàn thay vì ngồi trên ghế, trải chăn đệm và ngủ trực tiếp trên sàn nhà thay vì ngủ trên giường. Đương nhiên, việc ngồi hoặc ngủ trên sàn gỗ trong thời gian dài có thể gây đau vùng mông và lưng, vì vậy để ngăn ngừa điều này, người Nhật trải chồng nhiều lớp trải (chiếu) đan từ thân cây. Khoảng 1.300 năm trước, vào thời kỳ Heian, “chiếu tatami” bắt đầu được sử dụng, đó là những tấm trải (chiếu) được gắn trực tiếp vào ván vật liệu sàn và được dùng như vật liệu lát sàn trong các phòng. Sau đó, thay vì gắn tấm trải (chiếu) lên ván, người ta nén “rơm” còn sót lại sau khi thu hoạch lúa và khâu thành hình dạng tấm ván dày khoảng 5cm, sau đó mới gắn tấm trải (chiếu) lên trên đó. Loại ván này trở thành một vật liệu sàn có các tính năng cao cấp như độ đàn hồi vừa phải, khả năng giữ nhiệt tốt, tác dụng kiểm soát độ ẩm trong phòng hay tác dụng thanh lọc không khí, v.v..

Với sự ra đời của chiếu tatami, việc ngồi trên sàn trong thời gian dài không còn khiến người ta cảm thấy đau đớn nữa. Vì vậy, những chiếc bàn có chân thấp (bàn bệt / bàn trà thấp), hay “kotatsu” là loại bàn với chăn được phủ lên trên trong thời tiết lạnh, hay loại ghế bệt có tựa lưng để có thể ngồi ngả lưng thoải mái ra phía sau, v.v., những đồ nội thất quen thuộc có thể thấy trong các bộ phim hay hoạt hình Nhật Bản đã được ra đời như vậy.

日本の住居 居室

Ngoài ra, vào mùa hè thì khí hậu ở Nhật Bản lại rất nóng và ẩm. Do đó, thay vì các bức tường ngăn cách các phòng, người ta sử dụng các khung gỗ nhẹ dán giấy có thể di chuyển được nhẹ nhàng, chẳng hạn như vách trượt Shoji hay Fusuma. Bằng cách mở vách trượt Shoji hay Fusuma, có thể cải thiện việc thông gió trong nhà và cho phép độ ẩm và nhiệt thoát ra ngoài, tạo ra một môi trường thoải mái.

Ngoài ra, nhà ở của Nhật Bản được xây dựng bằng gỗ. Khi xây nhà bằng đá hay gạch, các vật liệu này sẽ được xếp chồng lên nhau và xây thành tường. Tuy nhiên những ngôi nhà bằng gỗ lại được xây bằng các cột trụ được nối với nhau bằng dầm để có thể xây được những ngôi nhà có ít tường hơn. Thay cho các bức tường, vách trượt Shoji hay Fusuma được lắp vào giữa các cột trụ, có thể trượt sang ngang và đóng mở dễ dàng. Hơn nữa, thay vì những cánh cửa có thể đóng vào mở ra như cửa ra vào, “cửa trượt” được sử dụng ở những lối vào có thể trượt sang ngang và đóng mở sang bên trái phải, tương tự như vách trượt Shoji hay Fusuma. Đây cũng là thiết kế cho phép không gian ngoài trời và trong nhà có thể dễ dàng kết nối và để mở, đồng thời là cấu trúc hiếm thấy ở bên ngoài Nhật Bản.

Bằng cách này, những ngôi nhà Nhật Bản có cấu trúc cho phép kết nối dễ dàng giữa không gian ngoài trời và trong nhà, giúp người ta có thể ngắm nhìn bên ngoài ngay khi mở ra vách trượt Shoji hay Fusuma. Vì lý do này, vườn cũng được coi là một phần của không gian trong nhà, và những khu vườn mang nét thẩm mỹ đặc trưng của Nhật Bản đã dần được phát triển, chẳng hạn như vườn Nhật Bản hay Tsubo-niwa (vườn Nhật thu nhỏ) . Ở đó, người Nhật thiết kế trồng các loại cây theo mùa để có thể tận hưởng sự thay đổi của các mùa ngay trong căn phòng của mình.

Đặc trưng của đồ nội thất Nhật Bản

日本の伝統工芸

Mặt khác, vì có ít các bức tường nên trong phòng không có các đồ đạc được lắp đặt cố định như tủ quần áo, tủ đựng đồ hoặc kệ. Do đó, người Nhật đã tạo ra những tủ đựng đồ lớn bằng gỗ có ngăn kéo và cánh cửa gọi là “Tansu” để đựng quần áo. Đặc biệt, tủ Tansu được làm từ cây Hông, một loại cây lá rộng, nó có thể duy trì độ ẩm ổn định bên trong tủ nhờ hiệu quả kiểm soát độ ẩm của gỗ, giúp quần áo không bị hư hại. Ngoài ra, gỗ Hông còn chứa các thành phần gọi là paulownin và sesamin, các thành phần được cho là có khả năng chống côn trùng như bọ chét, mạt bụi nhà, và có đặc tính kháng khuẩn tuyệt vời. Ngoài tủ Tansu, còn có nhiều loại đồ nội thất bằng gỗ khác như giá bát đĩa để đựng dụng cụ ăn uống, kệ trang trí, v.v. cũng bắt đầu được sản xuất tận dụng đặc tính nhẹ và bền của gỗ.

Ngoài ra, có nhiều dụng cụ ăn uống của Nhật Bản được làm bằng gỗ hoặc tre. “Bát” để đựng cơm và canh, hay “đũa” để gắp thức ăn, từ xa xưa đã được làm từ gỗ và tre. Mặt khác, để tăng độ bền cho dụng cụ ăn uống, kỹ thuật “sơn mài” đã được ra đời, trong đó người ta cào xước cây Urushi (Toxicodendron vernicifluum) để chiết xuất nhựa cây, và nhựa sau khi được tinh chế xong sẽ được sơn phủ lên dụng cụ ăn uống rồi để khô. Sơn mài là chất liệu tự nhiên đã được người Nhật sử dụng từ thời xa xưa. Đồ tuỳ táng làm từ sơn mài đã được phát hiện tại di tích ở Hokkaido thuộc về thời kỳ Jomon từ khoảng 9.000 năm trước. Đây được cho là đồ sơn mài lâu đời nhất trên thế giới. Khi sơn mài khô và cứng lại sau khi sơn, nó có khả năng chịu nhiệt, độ ẩm, axit, kiềm, cồn và dầu, đồng thời có hiệu quả ngăn ngừa mục nát và côn trùng nên được dùng để tăng độ bền của dụng cụ ăn uống và đồ nội thất. Ngoài ra, bằng cách trộn thuốc nhuộm với sơn mài, người ta còn có thể có được nhiều màu sắc khác nhau như màu đỏ bóng hay màu đen bóng, v.v.. Hàng thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản sử dụng sơn mài đã được xuất khẩu đi khắp thế giới từ thời Trung cổ (từ sau năm 1500 sau Công Nguyên) nhờ vào chất lượng và kỹ thuật cao, đồng thời rất được ưa chuộng.

日本の住居 居室

Trong quá trình Nhật Bản chuyển dần sang lối sống kiểu phương Tây, các kỹ thuật tiên tiến được sử dụng để chế tạo đồ nội thất và dụng cụ ăn uống bằng gỗ này đã được kết hợp với những đồ nội thất phương Tây mà trước đó chưa từng được sử dụng ở Nhật Bản như ghế ngồi chân cao, ghế sofa, bàn chân cao, dao và nĩa, v.v., và ngày một phát triển hơn. Đồ nội thất và dụng cụ ăn uống do các thợ thủ công Nhật Bản đã dành nhiều năm tìm hiểu các đặc tính của gỗ để chế tạo trở nên phổ biến trên toàn thế giới, giống với đồ nội thất và dụng cụ ăn uống Bắc Âu, nơi gỗ được kết hợp khéo léo vào cuộc sống hàng ngày. Những món đồ này mang vẻ đẹp tự nhiên, kết hợp phong cách đơn giản nhưng truyền thống cùng với công nghệ hiện đại. Các bạn nhất định hãy thử một lần cầm trên tay và cảm nhận chất lượng của đồ nội thất và dụng cụ ăn uống bằng gỗ của Nhật Bản.

Column

トップへ戻る