JAPANESE FOREST

Column

現代の日本の木材加工技術
現代の日本の木材加工技術

Kỹ thuật chế biến gỗ hiện đại của Nhật Bản

Trong khoảng 215 năm, từ năm 1639 đến năm 1854, Nhật Bản hạn chế nghiêm ngặt hoạt động thương mại và giao lưu với nước ngoài. Trong thời gian này, kỹ thuật chế biến gỗ của Nhật Bản vốn được truyền lại từ thời xa xưa đã càng tiến bộ hơn nữa. Ở các địa phương trên khắp cả nước, nguyên liệu gỗ địa phương được sử dụng để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ gỗ, từ đồ dùng trong sinh hoạt như dụng cụ ăn uống, dụng cụ nấu ăn, đồ nội thất, v.v., đến các sản phẩm mang tính nghệ thuật và văn hóa. Kể cả hiện nay, có các vùng sản xuất các sản phẩm từ gỗ có ở trên khắp cả nước và người ta nói rằng, chỉ riêng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống sử dụng gỗ đã có hơn 80 sản phẩm khác nhau.

Các kỹ thuật chế biến gỗ điển hình bao gồm “Ghép (Sashimono)”, “Khắc (Horimono)”, “Đục (Kurimono)”, “Tiện (Hikimono)”, “Uốn (Magemono)” và “Buộc dây (Tagamono)” vẫn được kế thừa cho đến ngày nay.

Ghép (Sashimono)

指物(さしもの)

Ghép (Sashimono) là kỹ thuật làm tủ ngăn kéo, kệ, hộp chỉ bằng cách ghép các miếng gỗ lại với nhau mà không cần sử dụng bất kỳ dụng cụ kết dính nào như đinh, v.v.. Người ta thực hiện bằng cách đào các rãnh trên tấm gỗ để tạo ra các khấc lồi lõm rồi ghép chúng lại với nhau. Người ta nói rằng có hơn 1.000 tổ hợp, tức là các cách ghép lại khác nhau.

指物(さしもの)

Khắc

彫刻

Ở Nhật Bản, ở phần trên của vách trượt Shoji hay Fusuma phân chia ranh giới giữa các phòng và hành lang, có một đồ trang trí nội thất được gọi là “Ranma”. Đó là các tấm gỗ được chạm khắc các họa tiết hở, v.v. với mục đích để chiếu sáng, thông gió và trang trí. Chạm khắc cũng thường được sử dụng trong trang trí bảng hiệu, đồ nội thất, tượng Phật và đồ dùng Phật giáo, và có các kỹ thuật như chạm khắc tròn, chạm khắc phù điêu, chạm khắc chìm và chạm khắc hở.

彫刻

Đục (Kurimono)

刳物 (くりもの)

Đây là kỹ thuật trong đó một hình dạng được tạo ra bằng cách đẽo gọt một khối gỗ nguyên bằng dao chạm trổ hoặc đục. Kỹ thuật này cho phép tự do tạo ra các đường cong phức tạp hay có hình tròn, nó được sử dụng trong các sản phẩm gỗ nhấn mạnh vào đường cong, chẳng hạn như dụng cụ ăn uống hay khay để bê đồ ăn.

Tiện (Hikimono)

挽物(ひきもの)

Đây là kỹ thuật trong đó người ta áp một lưỡi dao vào gỗ được xoay trên bàn xoay để tạo thành hình. Kỹ thuật này phù hợp để làm các vật dụng hình tròn như chậu, bát, v.v., và có thể tạo được nhiều hình dạng khác nhau tùy thuộc vào góc độ hay cách áp lưỡi dao. Người ta nói rằng kỹ thuật đã được hình thành ở Nhật Bản từ khoảng 2.000 năm trước, và đã khai quật được những chiếc cốc hay chậu bằng gỗ được làm bằng kỹ thuật tiện tại những di tích cổ. Dụng cụ ăn uống làm từ gỗ tiện thường được phủ sơn mài để làm thành đồ sơn mài và được xuất khẩu nhiều từ Nhật Bản đi khắp thế giới.

Uốn (Magemono)

曲物(まげもの)

Đây là kỹ thuật làm đồ để đựng, v.v. bằng cách uốn những phiến gỗ mỏng, chẳng hạn như gỗ Hinoki (Chamaecyparis obtusa), gỗ Sugi (Cryptomeria japonica), thành hình tròn. Kỹ thuật uốn gỗ bao gồm các kỹ thuật như cắt gỗ bằng dao rồi uốn, cưa gỗ bằng cưa mỏng rồi uốn, ngâm trong nước nóng rồi uốn, phun hơi nước rồi uốn. Hiện nay, uốn bằng nước nóng và uốn bằng hơi là phổ biến nhất. Chúng được sử dụng để làm các loại đồ đựng khác nhau như thùng đựng chất lỏng, thùng tô nô, hộp cơm trưa, v.v..

Buộc dây (Tagamono)

箍物(たがもの)

Đây là kỹ thuật sắp các tấm ván thành một vòng tròn và buộc chặt chúng bằng “taga”, những dây buộc làm bằng tre hoặc kim loại, để tạo thành đồ đựng. Vì kỹ thuật này dùng gỗ dày hơn và bền hơn kỹ thuật uốn nên có thể dùng để làm những chiếc thùng đựng chất lỏng, thùng tô nô chắc chắn. Nhờ có các thùng chứa này, rượu hay các nguyên liệu lên men đáng tự hào của Nhật Bản như nước tương và miso có thể được bảo quản trong thời gian dài và vận chuyển nguyên trạng. Bởi vậy, đây cũng là kỹ thuật đã dẫn đến những tiến bộ vượt bậc trong sản xuất và phân phối những sản phẩm này.

Sản xuất đồ nội thất phương Tây kết nối với hiện đại

Mặt khác, sau năm 1854, Nhật Bản nhanh chóng tiếp thu văn hóa của các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và bắt đầu phát triển. Đồ nội thất phương Tây vốn chưa phổ biến ở Nhật Bản cho đến thời điểm đó bắt đầu được đưa vào cuộc sống của người Nhật. Trong phòng, người Nhật vốn ngồi trên chiếu tatami và ăn ở những chiếc bàn thấp thì nay đã đổi thành ngồi ghế và bàn ăn, vốn trải chăn và ngủ trực tiếp trên chiếu tatami thì nay đã đổi thành ngủ trên giường. Ở phòng khách có đặt thêm ghế sofa, đệm và bàn thấp, v.v.. Ban đầu, những món đồ nội thất này phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng khi việc sử dụng chúng dần lan rộng đến các hộ gia đình bình thường, chúng bắt đầu được sản xuất trong nước.

Những người chịu trách nhiệm làm ra những đồ nội thất phương Tây này là những người thợ mộc kế thừa văn hóa gỗ Nhật Bản hay là những người sản xuất các sản phẩm gỗ truyền thống. Họ khéo léo kết hợp và tích hợp các công cụ phương Tây và kỹ thuật mới nhất, với kỹ thuật chế biến gỗ và kỹ thuật trang trí như sơn mài, v.v. mà họ đã trau dồi qua nhiều năm, để phát triển thành sản phẩm đồ nội thất độc đáo của Nhật Bản.

Gỗ uốn cong (Magegi)

曲木(まげぎ)

Đồ nội thất gỗ uốn cong là loại đồ nội thất được tạo ra khoảng 180 năm trước bởi nhà sản xuất đồ nội thất người Áo gốc Đức Michael Thonet , sử dụng kỹ thuật hấp và uốn gỗ. Đây là kỹ thuật trong đó gỗ được làm ẩm bằng cách ngâm trong nước hoặc phun hơi nước, sau đó uốn cong bằng cách tác dụng nhiệt và lực, rồi lắp vào khuôn kim loại, sấy khô, làm cứng lại để tạo hình thành hình dạng hoặc hoa văn uốn cong.

Người ta phán đoán rằng phải chăng là do kỹ thuật này cũng tương tự với các kỹ thuật như uốn bằng nước nóng và uốn bằng hơi nước trong kỹ thuật “Uốn (Magemono)”, một trong các kỹ thuật chế biến gỗ của Nhật Bản, vốn đã được truyền lại từ khoảng 900 năm trước, nên nó được các thợ thủ công bắt đầu sản xuất đồ nội thất phương Tây ở Nhật Bản tiếp thu một cách dễ dàng. Khu vực Tohoku của Nhật Bản hay vùng Hida của tỉnh Gifu gần trung tâm Nhật Bản nổi tiếng về sản xuất đồ nội thất bằng gỗ uốn cong.

Trong cơ thể người hoàn toàn không có phần nào là đường thẳng tắp. Tất cả các phần đều có hình dạng uốn cong mềm mại. Gỗ đã được tạo hình uốn lượn ở gỗ uốn cong sẽ dịu dàng chạm vào cơ thể con người, khiến ta cảm nhận được sự thư thái.

曲木(まげぎ)

Ván ép định hình

成形合板

Đây là kỹ thuật chế biến gỗ trong đó các phiến gỗ xẻ mỏng được xếp chồng, dán lại với nhau và đặt vào khuôn đồng thời tác dụng nhiệt để tạo thành bề mặt cong. Đây là kỹ thuật chủ yếu được sử dụng cho ghế, và là phương pháp sản xuất ít bị cong vênh. Sản phẩm của nó còn nhẹ và bền nên có thể tạo ra những đường cong phức tạp mà khó thể hiện bằng gỗ nguyên khối. Kỹ thuật ván ép định hình của Nhật Bản cực kỳ tiên tiến, nó có thể giúp thể hiện ý tưởng thiết kế đường cong phức tạp của các nhà thiết kế trên khắp thế giới thành sản phẩm thực tế và biến chúng thành sản phẩm thương mại. Cùng với những đường cong phức tạp, đặc trưng của ván ép định hình còn ở vẻ đẹp của vân gỗ ở bề mặt. Một trong những đặc trưng của nó là vân gỗ được xẻ mỏng sẽ lộ ra ngoài, do đó ta có thể tận hưởng được vẻ đẹp vốn có của gỗ. Trong những năm gần đây, một số vật liệu định hình sử dụng gỗ Sugi hay gỗ Hinoki đã được đưa vào sử dụng và dự kiến sẽ còn trở nên phổ biến hơn trong tương lai.

Kỹ thuật này được du nhập vào Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai. Cùng với sự phát triển kinh tế của Nhật Bản, đồ nội thất bằng ván ép định hình nhẹ, bền, có vân gỗ đẹp đã được sử dụng rộng rãi không chỉ trong các gia đình mà còn ở những nơi công cộng như hội trường ca nhạc, trường học, sân vận động, v.v. trên khắp cả nước. Mặc dù có những vật liệu nhựa thay thế với giá thành rẻ hơn, tuy nhiên người ta cho rằng sở dĩ chúng được sử dụng nhiều như vậy là do người Nhật rất gắn bó với gỗ và sự ăn sâu của văn hóa gỗ

Các kỹ thuật chế biến gỗ mới nhất khác

最新の木材加工技術

Kỹ thuật chế biến cắt gỗ nguyên khối thành hình dạng 3D bằng máy cắt gỗ công nghiệp CNC mới nhất đã được phát triển, giúp sản xuất hàng loạt các đường cong tự do ba chiều từ gỗ nguyên khối mà không cần sử dụng gỗ uốn cong hoặc ván ép định hình. Ngoài việc sử dụng những kỹ thuật tiên tiến mới được tạo ra này, người Nhật còn kết hợp những tri thức ở trình độ cao mà các thợ thủ công Nhật Bản đã trau dồi qua nhiều thời đại để hiểu được điều kiện sinh trưởng của cây và đặc tính của từng cây, với các kỹ thuật chế biến gỗ cao cấp áp dụng các tri thức này, để tạo ra đồ nội thất mới của Nhật Bản.

Đồ nội thất Nhật Bản được cho rằng có đặc trưng là sử dụng vật liệu đơn giản, coi trọng sự hài hòa trong không gian, tận dụng kết cấu tự nhiên của vật liệu, có cảm giác sạch sẽ với ít màu sắc và tổng thể có trọng tâm thấp. Đặc trưng này được cho là có nhiều điểm tương đồng với đồ nội thất của Bắc Âu. Diện tích rừng của Nhật Bản là khoảng 25 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng xấp xỉ 66%, đồng nghĩa với việc hai phần ba diện tích đất đai của Nhật Bản là rừng. Tỷ lệ này tương đương với Phần Lan và Thụy Điển, những quốc gia được biết đến là có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất trên thế giới. “Văn hóa gỗ” sử dụng cây xanh trong đời sống hàng ngày từ xa xưa và chung sống với cây trong suốt lịch sử có lẽ là điều làm nảy sinh những điểm tương đồng giữa Nhật Bản và các quốc gia này.

Column

トップへ戻る